Trước khi trở thành 1 danh ca lừng lẫy theo suốt dải Trường Sơn, ít ai biết, NSND Trung Đức từng bỏ dở Đại học Tổng hợp để xung phong vào chiến trường làm lính lái xe.
Vào thập niên 80, 90… của thế kỷ trước, NSND Trung Đức cùng NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa… đã tạo nên một thế hệ vàng của dòng nhạc truyền thống – cách mạng. Giọng hát của họ đã đưa nhiều ca khúc cách mạng trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, sống mãi trong lòng các thế hệ yêu nhạc.
NSND Trung Đức sở hữu chất giọng cao, ấm và truyền cảm. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Trên đỉnh Trường Sơn, Đường Trường Sơn xe anh qua, Chiếc gậy Trường Sơn, Gửi em ở cuối sông Hồng, Chào em cô gái Lam Hồng, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa… Ông còn là tác giả của một số ca khúc âm hưởng dân ca: Nhớ về hội Lim, Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp), Chân quê (thơ Nguyễn Bính), Gọi em (dựa theo hát Khan Tây Nguyên).
Trước khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng của dòng “nhạc đỏ”, NSND Trung Đức từng là lính lái xe Trường Sơn. Ông kể, ông là con trai một, lại có chị gái ruột hy sinh thời chống Pháp (bị Pháp xử tử và đến giờ vẫn chưa tìm thấy mộ – PV) nên không thuộc diện phải nhập ngũ. Tuy nhiên, thời điểm đó, khi ông đang theo học ngành Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội thì chiến tranh nổ ra ác liệt và ông đã viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường chiến đấu.
Thời đó, dù thiếu thốn đủ điều nhưng trong cabin xe của tôi lúc nào cũng có cây đàn guitar để hát phục vụ anh em, bạn bè… Bài “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” là bài tôi hát nhiều nhất trong những năm tháng ấy, toàn hát đơn ca, không có điều kiện hát song ca với Thu Hiền như sau này.
Có lẽ vì những mất mát, thiếu thốn và khó khăn từ ngày còn ở chiến trường mà sau này, mỗi khi hát về Trường Sơn, trước mắt tôi như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn đang nằm lại trên chiến trường đẩy mảnh bom, mảnh đạn. Vì thế khi hát, tôi thực sự rất xúc động và hát bằng cả trái tim mình”, NSND Trung Đức bộc bạch.
Khi ra quân, ông được Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – một người anh thân thiết động viên ông đi học sỹ quan chuyên nghiệp để gắn bó với quân đội nhưng ông xin được về theo học âm nhạc. Lúc thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) ông chọn bài “Cùng anh tiến quân trên đường dài” để thể hiện. NSND Trung Kiên trực tiếp chấm ông và ông đạt điểm cao nhất trong số 200 người đến thi tuyển.
Một tháng sau, có giấy báo trúng tuyển gửi về xã và ông theo học âm nhạc chuyên nghiệp từ đó. Tốt nghiệp trường âm nhạc, ông về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, rồi chuyển sang Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, dù đã về hưu nhưng nghệ sĩ Trung Đức vẫn tham gia giảng dạy tại các trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội… và dạy hát tại nhà. Dạy hát tại nhà, ông thường không lấy tiền mà dạy miễn phí vì muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc cách mạng đến với thế hệ trẻ.